[SINGAPORE]. THÔNG QUA LUẬT MỚI NHẰM TĂNG CƯỜNG ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM.

Vào ngày 08/01/2025, Quốc hội Singapore đã chính thức thông qua Đạo luật An toàn Thực phẩm và An ninh Lương thực (FSSA), đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc củng cố hệ thống quản lý thực phẩm. Đạo luật này không chỉ hợp nhất và tinh chỉnh các quy định hiện hành, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Singapore trong việc thích ứng với những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và sự phát triển của các loại thực phẩm mới. FSSA thay thế và hợp nhất quy định tại 8 đạo luật hiện hành.

Theo đó:

1. Yêu cầu các nhà nhập khẩu và kinh doanh một số loại thực phẩm phải xin giấy phép

Phần 3 của Đạo luật FSSA thống nhất các quy định về cấp phép đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm thuộc diện kiểm soát, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như thịt, trái cây và trứng. Cơ chế cấp phép được thiết lập theo hai cấp độ:

  • Cấp độ 1: Yêu cầu các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm phải xin giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA).
  • Cấp độ 2: yêu cầu mọi lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu và trung chuyển phải được cấp giấy phép để đảm bảo áp dụng các yêu cầu an toàn thực phẩm.

2. Yêu cầu các thương nhân kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ hồ sơ để có thể truy xuất nguồn gốc hoặc thu hồi

Để đảm bảo thu hồi nhanh chóng các sản phẩm thực phẩm không an toàn, Phần 3 và Phần 4 của FSSA áp dụng các yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc và lưu giữ hồ sơ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm được cấp phép. Người được cấp phép phải: (1) Duy trì quyền truy cập ngay lập tức vào thông tin về nhà cung cấp, nhà sản xuất và mô tả hàng hóa; (2) Triển khai các quy trình để xác định và truy xuất thực phẩm từ nhà cung cấp đến đơn vị chịu trách nhiệm tiếp theo; và (3) Triển khai các quy trình thu hồi khi thực phẩm được phát hiện là không an toàn.

3. Yêu cầu các doanh nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi phải xây dựng “Kế hoạch kiểm soát”, nêu rõ các chiến lược để đạt được an toàn thực phẩm

"Kế hoạch Kiểm soát Thực phẩm" là một trong những điều kiện bắt buộc để được cấp phép hoạt động kinh doanh thực phẩm. Tất cả các doanh nghiệp không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất thực phẩm phải xây dựng và triển khai kế hoạch này, bao gồm các nội dung quan trọng như: vệ sinh của người lao động; thiết kế, bảo trì và vệ sinh của cơ sở và trang thiết bị; xác định các mối nguy hiểm có thể thấy trước trong quá trình xử lý thực phẩm; và các hành động khắc phục thích hợp. Yêu cầu tương tự cũng áp dụng cho giấy phép kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

4. Thiết lập khuôn khổ quản lý để phê duyệt trước khi đưa ra thị trường đối với "thực phẩm được xác định"

FSSA thiết lập danh mục "thực phẩm được xác định", bao gồm các loại thực phẩm mới, thực phẩm biến đổi gen và thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng. Đạo luật này thống nhất quy trình phê duyệt đối với các loại thực phẩm này, yêu cầu phải được phê duyệt trước khi đưa ra thị trường. Cách tiếp cận này nhằm mục đích khuyến khích sự đổi mới trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồng thời xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.

5. Tăng mức hình phạt tối đa đối với hành vi vi phạm.

FSSA tăng mức phạt tối đa lên 50.000 đô la Singapore đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Luật mới cũng quy định việc cấm các doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép do gian lận hoặc tái phạm nhiều lần được nộp đơn xin cấp phép mới trong thời hạn tối đa 3 năm. Quy định này nghiêm khắc hơn so với quy định hiện hành, cho phép các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép nộp đơn xin cấp phép lại ngay sau khi bị kết án.

FSSA sẽ được triển khai theo từng giai đoạn để các doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Các quy định về "thực phẩm được xác định" dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm 2025, và triển khai đầy đủ các điều khoản khác dự kiến vào năm 2028.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định mới này. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của FSSA để bảo vệ uy tín thương hiệu và tránh các rủi ro pháp lý.

Thông tin chi tiết: Toàn văn Đạo luật FSSA có thể được tham khảo tại:

https://sso.agc.gov.sg/Act/FSSA2025/Uncommenced/20250226?DocDate=20250206

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)

Link nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/singapore-thong-qua-luat-moi-nham-tang-cuong-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-va-an-toan-thuc-pham.html


Share post:
Tin liên quan
Chính sách cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cải thiện trang web và trải nghiệm của bạn. Bạn có thể thay đổi tùy chọn của mình bất cứ lúc nào. Để tìm hiểu thêm, hãy xem Chính sách cookie của chúng tôi.